Cổng cưới lá dừa ngày xưa: Nét đẹp truyền thống trong đám cưới miền Tây

Đối với người dân miền Tây, đám cưới không chỉ là ngày trọng đại của đôi uyên ương mà còn là dịp kết nối xóm làng. Ngày nhóm họ, bà con chòm xóm cùng nhau dựng rạp, trang trí cổng cưới, chuẩn bị tiệc cưới, tạo nên không khí nhộn nhịp, ấm tình. Trong đó, Cổng Cưới Lá Dừa Ngày Xưa mang một nét đẹp mộc mạc, giản dị mà độc đáo, trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.

Cổng cưới lá dừa: Biểu tượng của sự gắn bó với thiên nhiên

Cổng cưới lá dừa được làm từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên như lá dừa nước, bông đồng tiền, cây chuối, dây bóng bay, hoa quả… Mỗi cổng cưới đều mang một vẻ đẹp riêng, không theo khuôn mẫu nào cả.

Theo các bậc cao niên, cổng cưới lá dừa có từ rất lâu đời, xuất phát từ tập tục sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên của con người. Cổng cưới đẹp không chỉ góp phần long trọng cho ngày cưới mà còn thể hiện sự tôn trọng của gia chủ dành cho khách mời.

Cổng cưới lá dừa ngày xưa: Kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ

Cô dâu Nguyễn Thị Mỹ Hằng (huyện Cái Bè – Tiền Giang) chia sẻ: “Lúc nhỏ mình được theo ông bà đi đám cưới. Ấn tượng đầu tiên có lẽ là cổng cưới. Thợ làm là những thanh niên khéo tay trong xóm. Mỗi người một việc, làm mấy ngày mới xong. Bây giờ thuê mướn hết, rất tiện lợi, nhưng thật lòng mình rất nhớ đám cưới xưa. Nên mình quyết định chọn làm cổng cưới lá dừa cho ngày vui của mình như cách để nhớ về chút kỷ niệm quê mình”.

Để làm được cổng cưới cũng rất công phu. Phải đi tìm chọn từng cái cây, nhánh lá rồi về kết hình hoa, trái tim, thất chim bồ câu để trang trí. Thanh niên đến phụ đám từ hôm trước, người đi chặt lá, người chặt bông đồng tiền, ai khéo tay thì trang trí, còn lại cũng phụ hết cho vui…

Cổng cưới lá dừa ngày nay: Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Ngày nay, cổng cưới lá dừa vẫn được ưa chuộng nhưng được đầu tư công phu hơn rất nhiều. Với đôi bàn tay khéo léo của những người thợ chuyên nghiệp cùng sự đa dạng của các nguyên vật liệu, dụng cụ hỗ trợ, chiếc cổng cưới lá dừa mộc mạc ngày nào đã được khoác “chiếc áo” tân thời, lộng lẫy, sang trọng không thua kém bất kỳ chiếc cổng cưới “công nghiệp” nào.

Anh Bùi Hoàng Phúc (tỉnh Bến Tre) gắn bó với nghề làm cổng cưới lá dừa cách đây hơn 4 năm. Anh cho biết: “Tôi bị thu hút bởi những chiếc cổng cưới lá dừa bình dị qua những tấm hình được lưu giữ từ đám cưới người thân”.

Cổng cưới rồng phượng: Biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi

Nhiều cặp đôi cho rằng, hình ảnh rồng phượng trong ngày cưới chính là để bày tỏ ước mong hôn nhân hòa hợp, bền vững, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cổng cưới rồng phượng có giá rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Anh Phúc cho biết, để làm cổng rồng phượng, phải làm khung tre. Con rồng được tạo hình bằng xốp, sau đó dùng đinh nhỏ để đính các loại trái cây và hoa vào.

Cổng cưới lá dừa: Nét đẹp văn hóa miền Tây

Dù dịch vụ cho thuê cổng cưới đã trở nên phổ biến trong đời sống, nhưng những chiếc cổng cưới lá dừa đơn sơ, giản dị nhưng mang nét riêng của miền Tây sông nước, vẫn đang có chỗ đứng riêng cho mình; để trở thành một phần ký ức ngọt ngào trong ngày trọng đại của các cặp đôi!