Lễ lại mặt là một phong tục cưới tốt đẹp và nhiều ý nghĩa của người Việt Nam. Vậy lễ này là lễ gì, tầm quan trọng của nó trong cuộc sống hôn nhân như thế nào, hãy cùng team Giày cưới Kiyoko tìm hiểu kỹ về nó nhé.
Cuộc sống càng hiện đại, tân tiến, người ta càng muốn tìm về những truyền thống xa xưa. Các cô dâu chú rể cũng rất chú trọng một số phong tục quan trọng của đám cưới được ông bà truyền lại. Họ tin là điều này sẽ mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc cho cuộc sống vợ chồng sau này. Một trong những phong tục mà các cô dâu chú rể quan tâm nhất hiện nay là lễ lại mặt.
Lễ lại mặt là lễ gì?
Lễ lại mặt (hay còn gọi là lễ nhị hỷ, có nơi gọi là lễ hồi dâu) tuy diễn ra sau ngày đám cưới nhưng lễ lại mặt lại là phong tục cưới rất quan trọng của người Việt Nam. Phong tục này xuất phát từ tình thương của nhà chồng dành cho cô dâu mới. Thông thường, các cô dâu mới về nhà chồng sẽ cảm thấy buồn vì phải xa nhà, xa cha mẹ. Vì vậy phong tục cưới truyền thống sẽ có thêm ngày lại mặt tức là ngày gia đình nhà chồng đưa cô dâu về thăm bố mẹ ruột để cô dâu gặp lại gia đình, để bớt đi nỗi nhớ nhung. Trong buổi lễ này, cha mẹ đẻ cũng sẽ có vai trò là người chia sẻ, động viên cô dâu. Họ sẽ giúp tân nương thoải mái và ý thức được trách nhiệm mới của mình. Bên cạnh đó, lễ lại mặt còn là dịp để chú rể gần gũi, thân thiết hơn với gia đình nhà vợ. Đây là thời điểm chính thức đầu tiên sau đám cưới, tân lang thăm hỏi bố mẹ vợ với cương vị là con rể. Với những ý nghĩa tốt đẹp trên thì hầu hết các đám cưới đều phải có thêm nghi thức lại mặt trong hôn nhân.
Nhà trai cần chuẩn bị gì cho lễ lại mặt?
Lễ lại mặt trong phong tục xưa khá cầu kỳ. Nhà trai bắt buộc phải có đủ các mâm cỗ: trầu cau, rượu, xôi, thịt gà hoặc thịt lợn để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Thời buổi hiện đại, các gia đình đã đơn giản hóa các nghi thức lại mặt trong hôn nhân.
Chú rể chỉ cần chuẩn bị vài phần quà hoa quả, bánh kẹo… để ra mắt gia đình vợ. Cô dâu chú rể có điều kinh tế có thể chuẩn bị một phong bì nhỏ để thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Về phía cha mẹ cô dâu sẽ làm cơm mời con rể và con gái.
Chú ý bữa cơm này chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình thân thiết, không cần mời thêm họ hàng hay bạn bè. Vợ chồng trẻ sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên và dùng cơm cùng gia đình. Nếu có thời gian, cô dâu chú rể có thể ghé qua thăm họ hàng và những người thân thiết khác.
Thời gian nhà trai đi lại mặt
Lễ lại mặt thường sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày kể từ ngày đám cưới. Tùy theo khoảng cách địa lý của gia đình 2 bên cũng như chọn được ngày tốt mà gia đình chú rể chọn ngày lại mặt cụ thể. Còn nếu khoảng cách hai nhà xa, cách nhau hàng trăm kilomet, lễ lại mặt sẽ dời lại vài ngày. Với các gia đình cầu kỳ, nhà gái sẽ đi để chọn được ngày giờ hoàng đạo, giờ đẹp để tổ chức nghi thức lại mặt trong hôn nhân.
Lưu ý dành cho cô dâu chú rể trong ngày lễ lại mặt
Trong lễ lại mặt, bắt buộc cả cô dâu và chú rể đều phải có mặt để thể hiện sự tôn trọng với gia đình nhà vợ và làm trọn đạo hiếu với ba mẹ vợ. Vì nghi thức lại mặt trong hôn nhân là dịp quan trọng nhất để chú rể cảm ơn công nuôi dưỡng giáo dục của ba mẹ vợ dành cho cô dâu. Phong tục quan niệm rằng đôi vợ chồng trẻ phải đến nhà bên vợ từ sáng sớm, không được lại mặt lúc tối muộn sẽ không tốt. Trừ những trường hợp giờ hoàng đạo quá khắt khe, phải tuân theo.
Có thể nói lễ lại mặt là một phong tục đẹp và ý nghĩa trong đám cưới Việt. Nhưng hiện nay do xã hội phát triển, nhiều cô dâu lấy chồng quá xa nhà nên được miễn nghi thức lại mặt trong hôn nhân. Sự miễn này phải được sự đồng thuận giữa hai bên gia đình, với mục đích tạo mọi điều kiện tốt đẹp cho con cháu thu xếp công việc.
from Kiyoko Garden